Bẫy nghèo tồn tại khi thu nhập là vòng hồi tiếp dương, không phải khi thu nhập là vòng hồi tiếp âm

Khái niệm::
Trong video quay cho MTV, Jeffrey Sachs và nữ diễn viên Angelina Jolie đã đến thăm Sauri, Kenya, một trong những ngôi làng Thiên niên kỷ lâu năm nhất. Ở đó họ đã gặp một nông dân
trẻ tên là Kennedy. Anh ta được trợ cấp phân bón miễn phí, và
kết quả là vụ thu hoạch của anh tăng gấp hai mươi lần so với
mùa vụ năm trước. Nhờ số tiền tiết kiệm từ mùa vụ đó, đoạn
video kết luận rằng từ đó trở đi anh ta sẽ có khả năng tự nuôi
sống bản thân mình. Lập luận sâu xa ở đây là Kennedy bị rơi vào
bẫy nghèo và không đủ khả năng mua phân bón: Anh đã được
giải thoát nhờ vào món quà là phân bón. Đó chính là cách duy
nhất giúp anh ta thoát khỏi bẫy nghèo.
Nhưng, những người hoài nghi có thể phản đối với lý lẽ là nếu phân bón thực sự mang lại nhiều lợi nhuận như vậy, tại sao
Kennedy lại không thể mua dù chỉ một ít để bón cho phần màu mỡ nhất trên cánh đồng của mình? Điều này hẳn có thể đã giúp
gia tăng sản lượng, và với số tiền lời thu được, anh ta có thể đã
mua được nhiều phân bón hơn cho năm sau, và cứ tiếp tục như
thế. Dần dần anh ta sẽ có đủ tiền để bón phân cho cả cánh đồng.
Vậy thì Kennedy có bị sập bẫy nghèo hay không? Câu trả lời tùy
thuộc vào tính khả thi của kế hoạch sau đây: Chỉ mua một ít để
bắt đầu, kiếm thêm tiền, rồi tái đầu tư để tiếp tục, kiếm nhiều
tiền hơn nữa, cứ thế lặp đi lặp lại quá trình này. Nhưng có lẽ
không dễ mua phân bón với số lượng nhỏ. Hoặc cũng có lẽ phải
thử nhiều lần thì bón phân theo kiểu này mới đem lại hiệu quả.
Cũng có thể có nhiều vấn đề phát sinh khi tái đầu tư lợi nhuận
thu được. Người ta chỉ ra được nhiều lý do vì sao nông dân lại
thấy khó khăn khi tự bắt đầu.
Chúng ta sẽ quay trở lại điểm mấu chốt trong câu chuyện của
Kennedy ở Chương 8. Tuy nhiên thảo luận trên đây giúp chúng
ta nhìn ra nguyên tắc chung. Bẫy nghèo sẽ tồn tại khi cơ hội gia
tăng thu nhập hay của cải nhanh chóng hẹp cửa với những
người không có khả năng đầu tư, nhưng lại mở rộng cho những
người có thể đầu tư thêm một chút. Trái lại, nếu khả năng tăng
trưởng nhanh nhiều hơn ở người nghèo và giảm dần với người
giàu, thì bẫy nghèo không tồn tại.
Các nhà kinh tế học yêu thích những học thuyết đơn giản (giản
lược, theo cách gọi của một số người), và thích thể hiện dưới
dạng biểu đồ. Chúng tôi cũng không ngoại lệ: Hai biểu đồ dưới
đây sẽ là những minh họa hữu ích cho cuộc tranh luận về bản
chất của đói nghèo. Quan trọng nhất là phải nhớ được hình dạng
của những đường đồ thị cong: Chúng tôi sẽ đề cập đến hình dạng
này nhiều lần trong quyển sách này.
Với những ai tin vào bẫy nghèo, thế giới sẽ trông giống như Hình

  1. Thu nhập hôm nay sẽ ảnh hưởng đến thu nhập trong tương lai
    của bạn (tương lai ở đây có thể là ngày mai, tháng sau, hay thậm
    chí là thế hệ sau): Những gì bạn có hôm nay quyết định bạn ăn
    bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu cho y tế, hay cho giáo dục của con
    em mình. Nó cũng ảnh hưởng đến việc liệu bạn có mua được
    phân bón hay hạt giống tốt cho vụ mùa của mình. Tất cả những
    điều này quyết định những gì bạn có vào ngày mai.
    Hình dạng của biểu đồ là chìa khóa: Ban đầu rất bằng phẳng, sau
    đó tăng nhanh, rồi bằng phẳng trở lại. Chúng tôi gọi đó là đường
    cong chữ S.
    Hình chữ S của đường cong này là nguồn gốc của bẫy nghèo.
    Trên đường chéo, thu nhập hôm nay bằng với thu nhập ngày
    mai. Đối với những người rất nghèo, những người nằm trong
    vùng bẫy nghèo, thu nhập trong tương lai thấp hơn thu nhập
    hôm nay: Đường cong nằm dưới đường chéo. Điều này có nghĩa
    là theo thời gian, những người nằm trong vùng này sẽ ngày càng
    nghèo đi, và cuối cũng rơi vào bẫy nghèo, tại điểm N. Những mũi
    tên từ điểm A1 thể hiện quỹ đạo có thể xảy ra: từ A1, di chuyển
    đến A2, rồi A3, và tiếp tục như thế. Đối với những người bắt đầu
    từ ngoài vùng bẫy nghèo, thu nhập ngày mai cao hơn thu nhập
    hôm nay: Theo thời gian họ sẽ ngày càng giàu hơn, ít nhất đến
    một điểm trần nào đó. Số phận hạnh phúc hơn này được thể hiện
    qua mũi tên bắt đầu từ B1, di chuyển đến B2 rồi B3, và tiếp tục
    như thế.
    Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế học (có lẽ là đa số) tin rằng thực
    trạng thế giới trông giống Hình 2 hơn.
    Hình 2 hơi giống phần bên phải của Hình 1, nhưng không có
    phần phẳng dẹt ở phía bên trái. Đường cong lên dốc nhất ở phần
    đầu, rồi thoải dần. Không có bẫy nghèo trên thế giới này: Vì
    người nghèo nhất vẫn kiếm được nhiều hơn với số tiền ban đầu
    họ có, họ sẽ trở nên giàu có hơn theo thời gian, và cuối cùng thu
    nhập của họ sẽ ngừng tăng (các mũi tên đi từ A1 đến A2 rồi A3
    mô tả một quỹ đạo có thể xảy ra). Thu nhập này có thể không
    quá cao, nhưng vấn đề là chúng ta hầu như không cần hay không
    thể làm gì để giúp đỡ người nghèo. Món quà tặng một lần rồi thôi
    (ví dụ, cung cấp đủ thu nhập để người ta thay vì bắt đầu ở điểm
    A1 ngày hôm nay, sẽ có thể bắt đầu ở A2) không thể đẩy thu
    nhập của người ta lên mãi. Nếu may mắn món quà đó chỉ có thể
    giúp người ta di chuyển lên nhanh hơn một chút, chứ không thể
    thay đổi điểm đến cuối cùng
    Nguồn:: Hiểu nghèo thoát nghèo